Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu chơi thể thao cũng ngày một lớn dần. Các môn thể thao đơn giản với chi phí thấp là những sự lựa chọn được nhiều người yêu thể thao ưa chuộng. Cầu lông chính là một trong những môn thể thao như vậy. Đây là một môn thể thao phổ biến với rất nhiều lợi ích như giúp người chơi rèn luyện sự dẻo dai cũng như sức bền, đem lại những giá trị về mặt thể chất cũng như tinh thần. Vì những lý do đó, số lượng người chơi cầu lông cũng ngày một nhiều.
Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết chơi cầu lông đúng cách. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp tối đa hóa những lợi ích mà môn thể thao này đem lại. Trong bài viết dưới đây, các cách sử dụng cây vợt cầu lông đúng cách sẽ được chúng tôi phân tích và cung cấp tới quý độc giả.
Cầu lông là gì?
Cầu lông hay vũ cầu là môn thể thao dùng vợt thi đấu giữa 2 vận động viên (đấu đơn) hoặc 2 cặp vận động viên (đấu đôi) trên 2 nửa của sân cầu hình chữ nhật được chia ra bằng tấm lưới ở giữa. Người chơi ghi điểm bằng cách đưa quả cầu qua lưới bằng vợt và chạm đất ở trong phần sân bên kia của đối thủ. Mỗi bên chỉ có 1 lần chạm cầu duy nhất để đưa cầu sang sân bên kia. Lượt cầu kết thúc khi quả cầu chạm đất, hoặc có lỗi do trọng tài chính hoặc trọng tài biên bắt; trường hợp không có trọng tài thì do tự người chơi bắt, vào bất cứ thời điểm nào trong lượt cầu đang đánh.
Từ năm 1992, cầu lông chính thức trở thành một trong các môn thể thao Olympic với 5 hạng mục thi đấu: đơn nam và đơn nữ, đôi nam và đôi nữ, đôi nam nữ (1 nam đánh cặp với 1 nữ). Ở cấp độ chuyên nghiệp, đặc biệt là đánh đơn, cầu lông đòi hỏi người chơi phải có thể lực cực tốt: vận động viên cần có sự dẻo dai, nhanh nhẹn, sức khỏe tốt, tốc độ và sự chuẩn xác. Đây còn là môn thể thao có liên quan nhiều đến kỹ thuật, yêu cầu sự kết hợp tốt và sự phát triển các di chuyển phức tạp của cây vợt.
Có mấy cách cầm vợt cầu lông?
Tùy vào phong cách chơi của mỗi người, có rất nhiều cách cầm vợt cầu lông khác nhau. Có thể kể đến như cầm gần cán vợt, cầm xa cán vợt, cầm thấp vợt, cầm cao vợt,... Tuy nhiên nhìn chung, có 2 cách cầm vợt chính đó là cầm vợt trái tay và cầm vợt thuận tay. Chúng tôi sẽ giải thích chi tiết về từng cách cầm vợt cầu lông ngay sau đây.
Cầm vợt thuận tay
Cầm vợt thuận tay là cách cầm vợt cơ bản mà bất cứ ai chơi cầu lông cũng cần phải biết. Cầm vợt thuận tay đúng cách sẽ giúp những pha trả cầu trở nên uy lực hơn mà tốn ít sức lực nhất. Cách cầm vợt cầu lông thuận tay như sau:
- Cầm vợt ở bên tay thuận và nghiêng mặt vợt vuông góc 90 độ với mặt sân phẳng.
- Để lòng bàn tay phải xòe ra như lúc bắt tay, sau đó thực hiện vuốt nhẹ từ mặt vợt và dừng lại ở khoảng giữa cán vợt.
- Khép các ngón tay và nắm lòng bàn tay lại quanh cán vợt, ngón cái đặt tựa trên cán vợt, đầu ngón cái hướng thẳng về cán vợt, các ngón trỏ và ngón giữa đặt sao cho cảm giác thoải mái nhất. Ngón trỏ và ngón cái sẽ tạo với nhau một góc hình chữ “V” nếu như bạn thực hiện cách cầm vợt đúng.
Cầm vợt trái tay
Cầm vợt trái tay là cách cầm vợt thường được sử dụng trong các đường cầu nằm bên trái. Vì vậy, nếu cầm không đúng kỹ thuật, những pha trả cầu sẽ không có lực và thường bị yếu. Người chơi cần phải nắm rõ được kỹ thuật cầm vợt trái tay để có thể đánh những đường cầu mạnh và chính xác. Kỹ thuật cầm vợt trái tay như sau:
- Để ngón cái được duỗi nhẹ theo cán vợt.
- Đầu ngón tay cái đặt lên một cạnh của cán vợt sao cho có cảm giác ngón tay cái đẩy cán vợt từ phía sau. Lưu ý chỉ có đầu ngón cái tựa trên mặt cán vợt, ngón trỏ duỗi nhẹ và ôm theo cán.
Một lưu ý khi cầm vợt trái tay là người chơi nên tạo một khoảng cách vừa đủ giữa vị trí cầm tay và cán vợt. Nếu khoảng cách là quá lớn thì rất dễ gây ra chấn thương cho người chơi trong lúc thi đấu.
Cách cầm vợt cầu lông khi đập cầu.
Đối với một số người chơi cầu lông đã cứng tay, những cú smash luôn là thứ vũ khí mạnh mẽ để hạ gục đối thủ. Để có được một cú smash đẹp, lực đánh mạnh là chưa đủ. Bên cạnh yếu tố này, kỹ thuật cầm vợt cũng là một điều vô cùng quan trọng. Về cơ bản, cách cầm vợt khi đập cầu cũng tương tự như cách cầm vợt thuận tay như:
- Để vợt theo chiều nằm ngang, tay không thuận cầm lấy cổ vợt, tay thuận xòe ra đặt sát mặt vợt
- Cầm vợt ở cuối cán vợt, ngón cái và ngón trỏ tạo thành góc nhọn nắm lấy hai má của cán vợt
- 3 ngón còn lại nằm tự nhiên dưới ngón trỏ. Mặt vợt và chiều dẹt của cẳng tay cùng nằm trên một mặt phẳng không gian.
- Tay cầm vợt thoải mái, không căng cứng.
Một số lỗi sai thường gặp khi cầm vợt
Do mới làm quen với môn cầu lông hoặc chưa tìm hiểu rõ về kỹ thuật cầm vợt, nhiều người chơi đã cầm vợt sai cách. Điều này dẫn đến những trải nghiệm khi chơi cầu lông không được như mong muốn, thậm chí gây ra những chấn thương không đáng có. Một số lỗi cầm vợt thường gặp đó là:
- Ngón cái khi cầm, nắm vợt thường che hay đè lên những ngón tay khác. Đây là một trong những lỗi sai phổ biến và nó gây hạn chế cho việc chuyển động của vợt
- Ngón trỏ duỗi ra không bám lấy vợt. Với lỗi này thì bạn sẽ phải gặp những chấn thương không đáng có cho tay của mình.
Lời kết
Cầu lông là một môn thể thao dễ chơi, có chi phí thấp. Nhiều người chọn cầu lông như một môn thể thao để rèn luyện sức khỏe cũng như giải trí. Những thông tin về cách cầm vợt trên đây hy vọng sẽ đem đến những kiến thức bổ ích cho quý độc giả.